Mắt lên lẹo thường kèm biểu hiện sưng đỏ, đau nhức, cảm giác như có sạn trong mắt, làm cản trở tầm nhìn, bất tiện trong sinh hoạt. Vậy mắt lên lẹo có bị lây không? Nguyên nhân – cách điều trị như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu về lẹo mắt qua những chia sẻ ngay sau đây nhé.
Mục lục
Mắt lên lẹo là gì?
Lẹo mắt là tình trạng viêm nhiễm cấp tính do vi khuẩn xâm nhập vào tuyến chân lông mi mắt. Lẹo khiến cho mi mắt sưng phù, đau, nhạy cảm với ánh sáng. Mắt lên lẹo rất hay tái phát, có thể bị ở một hoặc cả hai mi mắt.
Mắt lên lẹo có bị lây không? Thực tế, mụn lẹo không lây, cho nên không cần e ngại khi tiếp xúc, giao tiếp với những người đang bị lẹo mắt.
Có một số dạng lẹo mắt như sau:
- Lẹo trong: lẹo nằm ở mặt bên trong của mi mắt, khi lật mi lên mới nhìn thấy được.
- Lẹo ngoài: là một nốt đỏ, gây đau ở bờ mi. Lẹo ngoài thường có kích thước nhỏ như hạt đậu xanh hoặc nhỏ hơn.
- Đa lẹo: xuất hiện rất nhiều đầu lẹo ở trên một mi hay cả hai mi, thậm chí là ở cả hai bên mắt.
Nguyên nhân gây lẹo mắt
Tụ cầu khuẩn hay vi khuẩn được xem là nguyên nhân chính khiến mắt lên lẹo. Chúng xâm nhập vào tuyến chân lông mi rồi gây viêm nhiễm cấp tính, làm tắc nghẽn ống tuyến tiết dầu, từ đó gây viêm tuyến và hình thành lẹo mắt. Ngoài ra, đây cũng là kết quả của tình trạng viêm bờ mi có sẵn làm cho viêm nhiễm lan rộng.
Một số yếu tố khác góp phần khiến mắt lên lẹo mà mọi người cần chú ý như:
- Người đã từng bị lẹo mắt thời gian gần trước đó.
- Người mắc một số bệnh lý mạn tính về da như là rosacea, viêm da.
- Gặp vấn đề về sức khỏe liên quan như: cholesterol tăng cao, tiểu đường, sưng mí mắt.
- Dùng lớp trang điểm cũ hay không thường xuyên tẩy trang vùng xung quanh mắt trước khi tiến hành các bước skincare.
Các triệu chứng của mắt lên lẹo
Lẹo mắt thường chỉ xuất hiện ở một bên mắt chứ ít khi bị ở cả hai bên mắt. Ban đầu xuất hiện triệu chứng tương đối nhẹ, với cảm giác hơi khó chịu hoặc bị mẩn đỏ ở dọc bờ mi. Thời điểm lẹo phát triển thì có thể gây nên các triệu chứng:
- Có vết sưng đỏ giống mụn dọc mí mắt.
- Giữa vết sưng sẽ xuất hiện các đốm nhỏ màu vàng.
- Cảm thấy cồm cộm ở phía trong mắt.
- Bị nhạy cảm trước ánh sáng.
- Có ghèn ở dọc mí mắt hoặc xuất hiện tình trạng chảy nước mắt.
- Có nốt sần cứng, không đau ở mi mắt.
Mắt lên lẹo phải làm sao?
Nhiều người lo lắng không biết mắt lên lẹo phải làm sao? Thực tế, tình trạng này thường tự hết sau một vài ngày mà không cần phương pháp điều trị đặc hiệu. Khoảng 4-6 ngày, mủ của lẹo sẽ tự vỡ ra, các triệu chứng đau và nhức sẽ giảm dần.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ lành bệnh, thì ở giai đoạn sớm của lẹo mắt, người bệnh có thể chườm khăn ấm lên lẹo khoảng 10-15 phút, 3-5 lần/ngày. Chườm ấm sẽ giúp lấy sạch những chất tiết vàng tại mi mắt, làm giải phóng các tuyến sụn mi bị tắc nghẽn. Rửa mắt bằng nước muối sinh lý (loại sử dụng cho mắt) hàng ngày.
Trong thời gian mắt lên lẹo, không được dùng tay gãi, chà xát vào nốt lẹo vì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập sâu, mắt có thể bị tổn thương nghiêm trọng hơn.
Nếu như lẹo mắt to không hết sau 1 tuần, tiết nước mắt nhiều, gây khó nhìn, đau, khó chịu,… thì người bệnh cần đi khám bác sĩ để được điều trị. Bác sĩ có thể sẽ làm thủ thuật chích rạch lẹo để lấy mủ ra, đồng thời kê đơn một số thuốc.
Vậy mắt lên lẹo uống thuốc gì? Thường thì bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh đường uống, kháng sinh nhỏ mắt, các loại thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau,… Lưu ý, người bệnh cần sử dụng thuốc và chăm sóc mắt theo hướng dẫn của bác sĩ để nhanh hồi phục. Không tự ý sử dụng các thuốc ở ngoài khi không có chỉ dẫn của bác sĩ.
Mắt lên lẹo kiêng ăn gì?
Chế độ dinh dưỡng đóng một vai trò không nhỏ trong quá trình điều trị bệnh nói chung và chữa mắt lên lẹo nói riêng. Nếu không kiêng cữ, thì lẹo mắt sẽ ngày càng đau, sưng to hơn, gây khó chịu và ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Để bệnh nhanh chóng thuyên giảm, người bị lẹo ở mắt cần chú ý kiêng những thứ sau:
- Không ăn những gia vị cay: Những gia vị có tính cay như là tỏi, ớt, hành, hẹ, quế,… có thể gây kích thích và làm chảy nước mắt, gây cảm giác nóng, từ đó làm lẹo mắt sưng to hơn, khó chịu.
- Không ăn thực phẩm chứa chất kích thích: Nếu mắt lên lẹo hãy kiêng thực phẩm chứa chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,… vì chúng có thể gây kích ứng tại khu vực da bị lẹo, gây ngứa và sưng tấy chuyển biến xấu hơn.
- Kiêng thực phẩm chứa đường, sữa: Fructose có trong đường có thể gây viêm cho lẹo mắt. Cho nên khi mắt lên lẹo hãy tránh những thực phẩm có lượng đường cao như bánh ngọt, kem,… để hạn chế tình trạng viêm nhiễm trở nặng hơn trên mắt.
- Kiêng thực phẩm nhiều dầu mỡ: Khi bị lẹo ở mắt, người bệnh nên kiêng thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh, có tính cay nóng dễ gây tình trạng viêm da, kích ứng tại vùng da bị lẹo mắt khiến lẹo lâu lành hoặc chuyển biến nặng.
- Không nên ăn các loại thịt chế biến sẵn, thịt bò: Thịt chế biến sẵn như thịt xông khói, thịt đóng hộp, xúc xích,… Theo nghiên cứu, các loại thịt này có chứa Neu5Gc, sau khi ăn sẽ kích thích hệ thống miễn dịch sản sinh ra kháng thể chống lại nó. Từ đó làm tình trạng viêm nhiễm ở khu vực lẹo mắt sưng viêm lâu khỏi.
- Kiêng ăn thịt gà, trứng gà, đồ nếp: Nếu bị lẹo mắt, bệnh nhân phải kiêng thịt gà, trứng gà, đồ nếp vì những thực phẩm này có chứa các chất làm sưng, có thể tạo mủ cho vết thương, làm cho tình trạng mưng mủ trở nặng, từ đó liệu mắt lâu khỏi hơn.
Mắt lên lẹo nên ăn gì?
Bên cạnh những thực phẩm cần kiêng thì bạn cũng nên bổ sung một số loại thực phẩm tốt cho mắt, hỗ trợ hồi phục mắt.
- Cung cấp cho cơ thể những loại thực phẩm giàu vitamin A (đu đủ, cà rốt, cải bó xôi, rau mồng tơi, bí đỏ,…), vitamin C (cam, chanh, bưởi, quýt, ớt chuông, dâu, việt quất,…), vitamin E (hạt bí, hạnh nhân, quả bơ, cà chua…), giàu kẽm (nấm, chuối,…). Các loại vitamin này thúc đẩy quá trình hồi phục mắt bị lẹo, phòng ngừa viêm nhiễm, giảm tình trạng sưng tấy.
- Nên ăn các thực phẩm giàu Protein như nấm, thịt lợn,… Protein có tác dụng tạo liên kết bền vững cho các mô dưới da, hạn chế tổn cũng như sự phát triển của lẹo mắt.
- Bổ sung thực phẩm có tính mát như trái cây, rau củ, nước ép hoa quả ít đường,… giúp bổ sung dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, góp phần hạ nhiệt, làm dịu cơn đau mắt và ngăn chặn tình trạng viêm sưng tiếp tục diễn ra.
- Uống nhiều nước mỗi ngày (từ 2-3 lít) để hạ nhiệt và thanh lọc cơ thể.
Cách phòng ngừa mắt lên lẹo
Để tránh mắt lên lẹo thì chúng ta có thể tham khảo cách phòng tránh như sau:
- Không dùng tay đưa lên mắt để dụi mắt vì vi khuẩn từ tay có thể xâm nhập, từ đó gây nhiễm trùng mắt.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn nhanh, nhất là trước khi chạm tay lên mắt, trang điểm mắt.
- Không sử dụng chung khăn mặt, cọ trang điểm, mỹ phẩm, kính mát,… với người khác. Đặc biệt không dùng chung vật dụng cá nhân với người bị lẹo hoặc có tiền sử lẹo. Lẹo mắt không lây qua đường nhìn, tiếp xúc gần nhưng nếu các vật dụng tiếp xúc vào vùng lẹo như khăn mặt, cọ trang điểm,… sẽ mang vi khuẩn gây bệnh.
- Sử dụng mỹ phẩm trang điểm mắt có chất lượng tốt, cọ trang điểm mắt hợp vệ sinh.
- Bảo vệ mắt trước ánh sáng mặt trời cũng như bụi bẩn ô nhiễm bằng cách đeo kính râm hay các loại kính báo vệ.
Trên đây là những thông tin tổng hợp về mắt lên lẹo. Hy vọng những chia sẻ trên có thể giúp bạn hiểu hơn về hội chứng này.